Thứ Hai, 23 tháng 6, 2014

NỖI NIỀM MÙA HOA PHƯỢNG

Tác giả: Quỳnh Loan


Hoa phượng

Ai cũng có một quê hương và một tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng hái hoa bắt bướm bên mái nhà tranh đượm khói lam chiều. Với tiếng chày giã gạo trong đêm trăng sáng của mẹ, và đường cày dưới nắng lửa của cha.
Tuổi thơ nơi ấy, có dòng sông La êm đềm chảy, ngọt ngào như dòng sữa mẹ mang phù sa cho đất, cho đời. Có con đường làng rợp bóng tre xanh và cánh cò trắng chao nghiêng trên đồng lúa, đang thì con gái… Thật đơn sơ mộc mạc, như tiếng hát ru em, như làng điệu dân ca bài chòi Bình Định, và đó là quê hương. Nơi sinh ra, lớn lên với biết bao hy vọng, bao kỷ niệm buồn vui, một thời áo trắng. Dưới mái trường làng, ta mơ hồ trong tiếng đập gấp của trái tim, một chút nắng mai, một chiều lộng gió, một ngày hè ngắm cành phượng vĩ mà nghe lòng xao xuyến.
Năm tháng qua nhanh, trải qua bao thăng trầm cuộc sống, giờ đây khi mái đầu đã bạc. Hằng năm cứ mỗi độ hè sang, tiếng ve gào thét làm rung động hồn tôi. Xin cho tôi là gió, là mây bay lang thang theo ánh nắng rung rinh làm lay động những cành phượng vĩ. Nỗi nhớ ơi, cứ vương vấn trong lòng người về những ký ức, hoài niệm tuổi thơ…



Hoài niệm

Năm tôi học lớp chín, thầy chủ nhiệm dạy Văn-sử- địa kiêm tổ trưởng tổ văn của trường. Thầy lớn hơn chúng tôi khoảng ba hoặc bốn tuổi, trông rất thư sinh. Lớp tôi có học sinh già nhất trường, hai phần ba là tuổi 19, 20 còn lại là 17 trở lên. Còn tôi nằm viện 3 năm nên nằm vào con số 18.
Nghe tin thầy mới về nhận lớp, cả phòng nhao lên như cái chợ, thằng Phú huênh hoang
- Thầy chủ nhiệm lớp mình hiền lắm tụi bay, quê ở Huế, chưa có gia đình. Chiều nay tan học, tao sẽ ra mắt thầy một chầu chè, sau này môn Sử , Địa tha hồ chép tài liệu.
Cả lớp vỗ tay tán thưởng.
Tiếng thằng Hoàng lớp trưởng:
- Nghiêm.
Tiếng thầy nhẹ và ấm.
- Các em ngồi xuống. Hôm nay tôi về chủ nhiệm lớp 9A, thay cô Vân Nghỉ sinh.
- Thưa thầy sỉ số 49, vắng 0.
Báo cáo xong, thằng Hoàng ngồi xuống.
Thầy đảo mắt xuống lớp, để áp đảo tinh thần, thể hiện sự uy nghiêm của mình.
- Chuẩn bị kiểm tra bài, tiết học này là môn Sử.
Cả phòng im lặng, không có một tiếng động, cái khoảng không ấy thật đáng sợ. Mới về chưa dạy tiết nào, kiểm tra bài đúng là “thầy hắc ám”.
- Để công bằng tôi kiểm tra 2 em, một nam và một nữ. Người có tên ngắn nhất và dài nhất.
- Em Đinh Phú lên bảng.
Sau một phút im lặng, cả lớp bỗng cười ồ lên, vì cái tội ba hoa chích chòe, múa mép của nó hồi nãy. Giờ trông nó thật thảm hại, mặt méo xẹo xanh mét.
Thầy quát
- Cả lớp trật tự.
- Nguyễn Đặng Hoàng Mai.
Chu cha ơi, chết rồi, không qua được kiếp khổ nạn, tôi rên khẽ và lên bảng.
- Trong 2 em, ai thuộc bài.
Cả hai im lặng.
Thầy nhìn tôi.
- Tên đẹp, dài ngoằng thế kia mà không thuộc à.
Tính bốc đồng, máu tự ái, sĩ diện của tôi nổi lên.
- Thưa thầy, hằng ngày chúng em vẫn ôn bài đấy ạ. Nhưng hôm nay tụi em nghĩ thầy mới về nhận lớp, chưa kiểm tra, không có sự chuẩn bị.
- Trả lời hay lắm, vậy tôi kiểm tra bài hôm trước.
Lỡ leo lưng cọp, có xuống cũng chết, hơn nữa bài tủ của mình thì sợ gì. Tôi hoàn thành xuất sắc phần kiểm tra của thầy.
Lần gặp mặt đầu tiên, thầy biểu diễn ngoạn mục giết gà dọa khỉ, nhưng lớp toàn trâu bò.
Qua bài kiểm tra lần đó, thầy chấm sổ đen vì tính ngang bướng, lý sự cùn. Trong những tiết học, tôi bị lôi lên bảng, vốn cần cù bù thông minh, cũng chật vật mới qua truôn được.
Chiều thứ 7, có hai tiết cuối, môn Toán và sinh hoạt lớp. Thầy Thanh bận, môn Toán trống tiết, chúng tôi vào thư viện đọc sách.
- Vào lớp đi, tới giờ của thầy chủ nhiệm rồi.
Tôi nghĩ ngồi ráng một tí, sau đó quên mất. Đội trực ban đóng cửa, tôi giật mình chạy ra, sân trường vắng hoe, tất cả đã về hết. Tôi vào lấy sách vở, thầy vẫn ngồi ở bàn. Tôi đứng đó, chờ sấm sét mưa giông đổ xuống.
- Đi ra, thầy chở về.
Mấy phút sau tôi lắp bắp.
- Cảm ơn thầy, em tự về được. Nhà em xa lắm.
Nhìn vào ánh mắt nghiêm nghị và kiên quyết của thầy, tôi biết mình từ chối vô ích.
Chiếc xe đạp thầy dựng trước sân nhà tôi, trong ánh mắt ngỡ ngàng của mẹ, cái nhìn nghiêm khắc của cha. Không hiểu thầy nói những gì với cha, thầy về tôi không nghe mẹ mắng.
Từ hôm thầy đến làng quê nghèo, mới hiểu vì sao học sinh to tồ tồ đến thế. Sau ngày giải phóng, những hố bom, những mảnh vườn cày xới xơ xác, những bờ tre ngã quằn… Bên cạnh những ngôi nhà cháy trơ trụi, chòi tranh vách đất mọc lên, để có cái che nắng, gió thiên tai lũ lụt miền trung. Khung cảnh sau chiến tranh, kiếm cái ăn, cái mặc còn khó, nói chi tới cái chữ.
Học cùng lớp, nhưng nhà ở rải rác mỗi nơi, đứa xóm Đồng, đứa xóm trên… Nhà tôi ở ven sông. Chúng nó đi xe đạp, còn tôi cắm cổ chạy, lắm hôm trễ học tiết đầu. Một hôm tôi nghe thầy gọi
- Lên xe thầy chở đến trường.
Tôi tò mò
- Sao bữa nay thầy đi đường này.
- Thầy Vân nhờ phụ đạo giùm em trai học lớp 10. Hoàng Mai à. Thầy sẽ đi con đường này vào mỗi ngày, sẵn tiện chở em đến trường luôn.
Thi học kì 2 xong, còn 3 tuần nữa là năm học kết thúc.
Phượng nở đỏ rực cả sân trường, tiếng ve râm ran gọi hè đến.
Vào tiết sinh hoạt lớp, bọn tôi yêu cầu Thị Tình ngâm thơ, cũng là một cây văn nghệ của trường, giọng bạn ấm, trong, ngân vang lắng đọng lòng người. Cả lớp đang thả hồn vào cảm xúc độc đáo, cái hay xuất thần của nhà thơ Giang Nam qua bài “ Quê Hương”. Bạn hét lên
- Đừng, đừng…
Thầy và cả lớp hướng về Thị Tình. Đình Thanh đang nắm tay bạn.
- Chuyện gì vậy Đình Thanh?
- Thưa thầy, em để hoa phượng vào tay bạn và em ép khô ạ.
“ … Tôi nắm tay em nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để trong bàn tay tôi nóng bỏng…”
Chúng tôi được dịp cười thoải mái.
Có lẽ hoa phượng gợi nhớ về cái tuổi “ nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà thầy đã đi qua…!
Thầy ra khỏi lớp, để lại bầy vịt nhốn nháo tha hồ bơi lội.

Ban giám hiệu thông báo, phòng Giáo Dục yêu cầu cử hai em , một Toán, một Văn tập trung lên huyện để thi.
Buổi thi khối 9 ở trường kết thúc, lớp 9A may mắn có hai bạn trúng tuyển, Lê anh Tú và tôi. Thầy chủ nhiệm rất vui, lớp tôi được nhà trường biểu dương là lớp có thành tích học tập tốt.

Tôi nghe tiếng chuông reng reng… Trước sân nhà, cái mồm bô bô của Anh Tú
- Hoàng Mai đi chung với mình lên thị trấn cho vui.
Trên đường đi, tôi và nó ghé vào trường, ngày chủ nhật lớp vắng hoe, tản bộ sân trường có một chút buồn nhè nhẹ theo tôi.
- Tặng bạn.
Nó giúi vào tay tôi cành phượng.
- Hết hè mình lên thị trấn sắp xếp học chung một lớp nhen.
- Tôi nghỉ học.
- Tại sao?
Ngồi bên gốc phượng, tôi tâm sự về gia cảnh mình, chúc nó may mắn và thành công trên con đường học vấn.
- Giống như lời chia tay.
Nó thì thầm vào tai tôi, bạn đưa địa chỉ, hằng năm, vào hè mình lên thăm.

Một khoảng im lặng nặng nề, nỗi buồn sâu lắng…!
- Hoàng Mai à, bạn có thể nói về thầy chủ nhiệm một chút.
Tôi nhìn nó, “cái giếng khơi” cũng đáo để thật.
Giúp tôi tiếp tục đến trường bằng tiền lương của thầy, tôi không dám nhận. Tôi ghi nhớ lời nói, nghĩa cử, tình cảm cao đẹp của thầy, mãi mãi theo tôi suốt cuộc đời.
Sẽ không còn những mùa hè, tôi và nó đi dưới hàng phượng vĩ, nó ngượng ngùng nắm tay tôi, vội nói:
- Nhớ về nhau, bạn nhé!
Tôi biết tới lúc tạm biệt bạn bè, thầy cô… Đau khổ nhất là tự xoa dịu trái tim. Từ bỏ nỗi đam mê, khát khao thời áo trắng. Để rồi từ giã ước mơ bằng những giọt nước mắt âm thầm trong đêm tối.

Một năm sau, đến mùa hè nó lên thăm tôi. Nó vẫn thế, miệng cười rộng toét mang tai, kể tôi nghe chuyện trường, chuyện lớp… Không quên tặng tôi chùm hoa phượng.
Năm thứ ba, không thấy nó lên. Tôi nhớ hoa phượng, nhớ nó…!
Tôi về thăm trường, hoa phượng nở rộ, đỏ rực vùng trời. Gặp Nga, nó ôm chầm lấy tôi
- Anh Tú mất rồi.
Tôi bàng hoàng, đau đớn, xót xa…!
Tôi đứng lặng yên trước mồ Anh Tú, đặt cành phượng vĩ, dấu tích khởi đầu tình bạn…! Hình ảnh đó… Đôi mắt đó đã từng làm tôi xao động. Đau đớn, gào thét và sự đau khổ sâu xa trong tâm hồn, rỉ máu tim tôi.
Bạn nằm giữa mênh mông trong cánh đồng, trên gò đất cao, chung quanh cỏ mọc um tùm. Ruộng lúa thu hoạch xong, sơ xác những gốc rạ, nhìn xa xa cả một vùng trắng xóa. Từng đoàn người lũ lượt đi về, trả lại không gian yên tĩnh, hoang vắng… của chiều tà. Phía chân trời vài tia nắng lóe lên, như nuối tiếc, cố níu kéo của ngày sắp hết. Bên bờ ao, con cuốc lạc bầy kêu vang, xé tan không gian tĩnh lặng nghe não nùng, khắc khoải, buốt giá tim tôi. Nghe hơi gió thổi từ những cánh đồng mênh mông, len vào kẽ lá, len sâu vào da thịt, lạnh cả hồn tôi. Giữa đồng đất quê hương, xin bạn yên nghỉ, mỗi năm vào hè tôi đặt lên mộ cành phượng vĩ, thấm những giọt sương mai đỏ thẫm màu hoa thương nhớ …
Giã từ Anh Tú, bạn nằm vĩnh viễn nơi đây, quanh năm nghe tiếng rì rào của lúa với cái nắng chói chang… Đêm về nghe tiếng côn trùng rên rĩ. Cuộc đời nghiệt ngã, oái ăm, chia cách tôi và bạn. Định mệnh kéo bạn về dưới lòng đất lạnh.
Tạm biệt, tạm biệt những kỷ niệm đẹp… Những đau thương… Hình ảnh này cùng song hành trên con đường nỗi nhớ trong tôi.



 Thời gian

Trở về cuộc sống đời thường, cũng như bao người khác, tôi lao vào cuộc mưu sinh, toan tính… để rồi một ngày nhận ra trong tôi còn hoang đảo cô đơn…
Tôi có công việc ở Hà Nội nhiều ngày, cùng dì Út và cậu lính lái xe tên Hà Long, vui tính, lanh lợi và nhanh nhẹn. Tôi đem hoang đảo cô đơn chia sẻ trong suốt cuộc hành trình.
- Cô Ba ơi, những năm thầy dạy
- Từ 1976 đến 1981, khoảng thời gian ấy.
Long hứa với tôi là sẽ tìm được thầy chủ nhiệm. Tôi thầm cảm ơn tấm lòng tốt, sự nhiệt tình đó,
Buổi chiều cuối tuần, Long nhìn tôi.
- Cô Ba với dì Út chuẩn bị đến nhà thầy.
Tôi hơi bất ngờ
- Để hôm sau, cô chưa chuẩn bị gì hết.
- Cháu hẹn với thầy rồi.
Nhà thầy nằm trên đường quốc lộ 1. Thầy cùng với cô Hồng(vợ thầy), từ trong nhà bước ra, một thoáng xao xuyến trong tôi.
- Đúng là thầy chủ nhiệm không cô Ba.
- Ừ
Thầy nhìn dì Út, rồi qua tôi.
- Trông em rất quen.
Tôi im lặng và quan sát thầy, để tìm về những hình ảnh trẻ trung của thời áo trắng.
- Đứa nào, học sinh của thầy?
Dì Út khó chịu về câu hỏi của cô Hồng, thực ra dì lớn hơn tôi 4 tuổi, dì cùng tuổi với cô Hồng.
- Dạ em, em là Hoàng Mai.
- Nguyễn Đặng Hoàng Mai, nhà em ở ven sông.
Tiếng thầy như reo lên.
Ba mươi ba năm gặp lại, hơn nữa đời người, thầy nhớ, kể về những năm tháng ấy, những kỉ niệm ấy như mới vừa hôm qua. Dường như thấy mình bị hớ, có vẻ phân trần với cô Hồng.
- Lúc đó chưa lập gia đình, tôi hay qua chơi với thầy Vân.
Trong tôi dâng trào niềm thương cảm, xúc động, hình ảnh tôi nằm một phần trong kí ức của thầy. Mắt tôi nhòe đi… không có tiếng chát chúa của cô Hồng vang lên, tôi đã khóc nức nở.
- Ăn bánh đi.
Đến lúc tôi phải ra về. Thầy nắm tay tôi.
- Điện thoại cho thầy nhé, Hoàng Mai.
Nhìn Long
- Cậu này có số điện thoại của thầy.
Tiễn tôi ra xe, tiếng thầy nhỏ như thì thầm.
- Tôi sẽ chờ điện thoại của em.
Trong xe cả một bầu không khí im lặng… Buồn đến nao lòng.
Thằng Long phá tan sự yên tĩnh đó.
- Cháu thấy những giọt nước mắt của thầy, và đôi mắt ấy chứa cả sự ấm áp, ngọt ngào.
- Cô giáo gì mà mất lịch sự.
Dì Út thêm vào.
Trên đường về, tôi không nói lời nào. Đêm nay, lại một đêm khó ngủ. Thầy và tôi có nhiều điều muốn nói, chưa có điều kiện bộc lộ tình cảm. Tôi cầm trên tay cái điện thoại, hàng phút, hàng giờ và nhiều ngày như thế. Bão tố trong tôi. ! Cuối cùng lý trí mách bảo tôi, trân trọng và hãy để những kỷ niệm đó ngủ yên theo thời gian. Cảm ơn, cảm ơn thầy, người đã dành cho tôi nhiều tình cảm, những yêu thương và trong đó có sự hy sinh. Tôi cầu mong người khỏe mạnh, sống lâu và hạnh phúc.

Tạm biệt những kỷ niệm, tạm biệt mùa hoa phượng gợi trong tôi về mùa hè rất xưa của tuổi học trò, và một chút vu vơ trong mùa phượng vĩ…!



                                                                       Pleiku mùa hè , ngày 13 tháng 6 năm 2014

Thứ Năm, 19 tháng 6, 2014

CANH LÁ GIANG

Thương em chẳng lọ xấu xinh
Lá giang nấu với cua kình cũng ngon



Canh lá giang

Trong chúng ta hẳn ai cũng từng ăn món lá giang, ít ra là một lần. Nhưng lá giang mà nấu với cua kình thì không phải ai cũng có dịp thưởng thức. Cua kình là một loại cua đồng có nhiều ở các con mương, đồng lúa, ven sông... Thoạt nhìn nó giống một cục bùn, nhìn kỹ thì thấy khác ở chỗ vỏ cua mốc hơn. Mà thôi, phàm đã là nông dân thì chẳng ai xem việc bắt cua là khó, huống chi là nhận dạng cua. Còn nếu là "khách ở phố về" thì bạn cứ yên tâm - hoặc là cứ ngồi "hưỡn hưỡn" chờ... cua về, hoặc lội bộ theo dân bản địa mà xem móc cua. Thú vị đấy! Cua kình có thể nấu được kha khá món nhưng nhanh và đơn giản nhất vẫn là món canh cua lá giang.

Lá giang mọc theo thành lùm ở bờ rào, bụi rậm. Quơ về một vài dây, nhoáng một cái đã đủ ăn mệt nghỉ. Nhiều người sợ mất công đem dây ra tuốt cái "rẹt" là xong. Ai kỹ tính hơn thì ngắt từng lá bỏ cuống (để tránh vị chát), ngắt theo kiểu này làm nồi canh ngon hơn do có thể tách ra những lá quá già, lá quá non, lá sâu.

Cua kình đem về, đầu tiên là rửa sạch, rồi vặt sạch 8 que của nó đi, bẻ càng, lột vỏ, ướp gia vị. Ấy là nếu có, bằng không, chỉ một chút nước mắm, muối và vài quả ớt hiểm là xong. Đem mớ cua "tao" qua trong trã đất (thứ dụng cụ nhà bếp này vô cùng thích hợp với món cua). Xào qua xào lại chừng mười lần là có thể cho nước vào. Đợi nước thật sôi (dân quê quen gọi là sôi mắt cua) hãy đem rá rau đến, một tay cầm rổ, tay kia bốc từng nắm lá giang, vò thật mạnh sao cho một lá phải nát ra làm 4 làm 5 là đạt... Cứ thế từng nắm một vò xong là thả vào nồi canh đang sôi. Sau nắm lá cuối cùng là có ngay món canh cua lá giang. Gặp cữ ngày hè tháng nóng, cơm dẻo canh ngọt, nếu đánh chén giữa đồng, người kém ăn cũng có thể xơi hết lon gạo (tất nhiên đã nấu ra cơm). Còn với dân thành phố lâu ngày về với đồng nội, đoán chắc rằng bạn sẽ đánh chén tì tì đến lúc bụng căng cứng. đó là kiểu nhà nông làm "bầy bậy" mấy miếng quấy quá cho xong bữa. Phải lúc có có đầy đủ rau ráng, để ngon hơn có thể thêm vào nồi canh cua một ít rau ngổ, vài lát thơm. Thế là tuyệt! Ngày nay, ngay cả giống cua kình bé tí cũng đang bị tuyệt chủng dần trên đồng quê do nạn phun thuốc trừ sâu quá liều, bừa bãi, nên món ăn dân dã kia cũng xuất hiện thưa dần.

Canh cua lá giang không phải là món ăn đặc sản, càng không phải là thức cao lương mỹ vị để vì nó mà người ta phải cổ suý phong trào bảo vệ... cua kình. Cùng lắm và cũng vì yêu quê quá mà nói thì nó cũng chỉ là một dạng... thổ sản. Xin tạm gọi vậy như hai câu ca dao ở đầu bài. Đôi khi món ăn nằy cũng là nhịp cầu để ta lần về với thưở xa xưa nào đó - mẹ, chị ta đeo hom giỏ lần mò nơi chân ruộng thấp móc cua nấu cho ta một món canh hợp khẩu. Nhớ nghĩ về một chút dân dã, lắm lúc người ta thăng bằng giữa thời buổi đầy bon chen, bươn chải mà nhớ đến công dưỡng dục của cha mẹ vậy.

Chiều về trên quê hương Giêng Nam - Mỹ Hội 2

Chiều về trên quê hương tôi

Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

Cá rô đồng – Món ngon trong ký ức tuổi thơ

Cá rô đồng – Món ngon trong ký ức tuổi thơ

- Những con cá rô giãy đành đạch trong giỏ câu của mấy cậu nhóc vùng sông nước miền Tây cuối tuần qua làm sống dậy trong tôi kỷ niệm về đĩa cá rô đồng chiên giòn chấm nước mắm gừng chua cay ở bữa cơm chiều của mẹ…
 - Ngày thơ bé, mùa lúa làm đòng là mùa mà những đứa con nít lên 8, lên 10 như chúng tôi thích nhất. Tuổi thơ tôi trôi qua bình lặng nhưng đầy niềm vui trong mùi khói rơm rạ, những buổi ví trâu ra đồng rồi cùng nhau be nước tát cá.
 - Lúa trổ bông khi ruộng bắt đầu cạn bớt nước. Ruộng lúa ở vùng quê nghèo miền Trung thường nhỏ, xếp chênh chếch từ trên xuống dưới. Nơi các ngõ nước từ đám ruộng này chảy xuống đám ruộng khác là nơi cư trú của rất nhiều cá rô đồng, chỉ cần dùng lờ hoặc đem gàu, rổ ra các vũng nước này xúc một lát thể nào cũng có cá đem về.
- Đối với những ruộng lúa nhiều nước, chúng tôi rủ nhau đi câu. Bao giờ cũng vậy, trong thời gian đợi trâu no cỏ là bọn trẻ tranh thủ đào giun đất, bắt cào cào để làm mồi câu. Khi trâu no cỏ, mỗi đứa cột trâu lại gần mấy bóng cây lớn ở giếng nước ông Định đầu xóm cho chúng uống nước rồi cùng nhau lội xuống ruộng bắt cá. Cứ như vậy, đến khi ra về giỏ đứa nào cũng lúc nhúc những cá là cá.
- Cá rô đồng có thể dùng chế biến được nhiều món như cá rô kho tộ, kho tương, nấu canh cải, kho gừng… Nhưng với tôi, ngoài việc thỉnh thoảng cùng nhau hì hụi đem đốt rơm để nướng cá rồi mỗi đứa một xâu cá chia nhau ăn, thì vẫn không món nào qua được món cá rô chiên giòn chấm nước mắm gừng đặc trưng do mẹ pha chế. Món ăn vừa chế biến đơn giản, không cầu kỳ, phức tạp, vừa dân dã, chân chất đầy tình quê.
Cá rô đồng rán vàng giòn, hấp dẫn
Cá rô đồng rán vàng giòn, hấp dẫn
- Cá rô vào tháng 8, tháng 9 là ngon nhất, ngọt thịt và béo tròn. Cá rô khi còn sống ngúng nguẩy rất hăng nên thông thường, trước khi làm vảy, mẹ ngâm lũ cá sống vào nước muối khoảng hơn 20 phút “cho cá lừ đừ, khi chiên sẽ có vị mặn đậm đà hơn”. Cá được mẹ làm sạch ruột, để nguyên vảy, xếp vào rổ cho ráo nước. Sau đó, mẹ bắt chảo dầu lên bếp, đợi dầu nóng là bỏ cá vào chiên cho đến lúc chúng săn lại, vàng ngậy, thơm lừng cả chái bếp nhỏ. Cá chiên xong bày ra đĩa, rắc lên ít rau thơm, rau răm.
- Những lúc mẹ chiên cá, nhiệm vụ của tôi là ra hè hái mấy trái ớt, tiện thể hái luôn trái chanh và nhổ bụi gừng đem vào để mẹ pha nước chấm. Gừng rửa sạch, lột vỏ, cắt lát rồi cho vào cối giã nhỏ, sau đó đâm cùng tỏi và ớt đến nhuyễn, đổ ra chén rồi thêm đường, bột ngọt vào, pha nước mắm vừa đủ, vắt miếng chanh nữa là thành một chén nước chấm ngon hết ý.
 - Có ăn cá rô chiên giòn kèm dĩa rau luộc mộc mạc, cùng với chén cơm nóng hổi trong những chiều mưa mới cảm nhận hết được hương vị của tình đất, tình người quê hương. Vị cá rô ngọt mềm hòa quyện với cay nồng nàn của gừng, của ớt, vị thơm của tép tỏi. Bữa cơm tuy đơn sơ, đạm bạc nhưng mùi vị của nó đã trở thành ký ức đẹp mỗi lần tìm lại tuổi thơ của những người con xa quê.

Bữa cơm chiều


Tuổi ấu thơ thường có rất nhiều kỷ niệm hằn sâu trong tâm trí mỗi người. Với tôi, những bữa cơm chiều của gia đình thuở ấy là điều không thể nào quên được ! 
Lúc mọi nhà trong xóm nhỏ đã lên đèn là cũng lúc mâm cơm được dọn ra. Quây quần bên mâm cơm đạm bạc là bà nội, là cha mẹ, là đàn con… Cả nhà vừa ăn cơm, vừa trò chuyện vui vẻ, nhường nhịn, thương yêu nhau trong không khí chan hòa… Cảnh đoàn tụ đầm ấm khiến bữa cơm chiều dường như ngon hơn, ai cũng ngon miệng, ai cũng vui tươi. Cứ thế, bữa cơm chiều cứ nao nao gọi ta về cùng tổ ấm, mỗi người cảm thấy có trách nhiệm hơn, gắn bó, thương yêu nhau hơn…
Miền quê tôi ngày xưa nghèo lắm ! Bữa cơm chiều của gia đình thường độn thêm khoai mì. Quê tôi nổi tiếng về mì qua bài thơ này "Tiếng đồn Mỹ Hội có tài, Nấu 1 lon gạo nồi 2 (1) cũng đầy". Mùa nào thức nấy, chỉ “cây nhà lá vườn” thôi mà hương quê neo lại trong ta đến suốt cuộc đời ! Nào rau muống, lá giang thật tuyệt. Rau muống luộc chấm tương dầm ớt chẳng dễ gì quên ! Hoặc lá giang nấu với cá đồng ôi ngon tuyệt !!! Chẳng thế mà ai đó một khi “quê hương khuất bóng hoàng hôn”, bỗng tình quê khắc khoải thức dậy là nhớ về món ăn dân dã thân quen thuở nào (Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương)
Hoặc có bữa dăm con cá đồng nướng rồi kho cùng lá gừng non xắt nhỏ, ăn vào nghe đậm đà hương vị đồng quê… Bữa cơm chiều nghèo vậy đó mà thật giàu tình cảm bên nhau!  Mẹ rưng rưng nhìn cả gia đình ăn ngon lành, ngọn gió ban chiều dường như cũng mát hơn khi về ngang ngõ… Bữa cơm chiều quê nghèo ấm áp đến nao lòng… Dẫu công việc đồng áng tất bật nhưng khói bếp mỗi chiều vẫn nhẹ tỏa màu lam trên mái lá. Tuổi ấu thơ của tôi được tắm trong dòng sông yêu thương, biết mẹ một đời luôn lo toan để có những bữa cơm chiều thơm thảo…
Cuộc sống hôm nay thật đủ đầy mọi thứ. Tất cả đều có sẵn ở chợ, nhà hàng… Những bữa cơm chiều hôm nay thật gọn nhẹ làm sao! Chỉ cần nhấc điện thoại là có ngay những hộp cơm lớn nhỏ tùy theo giá cả. Các thành viên trong gia đình, mỗi người cầm trên tay một hộp là xong một bữa! Cơm hộp có thịt, có rau xào, màu mè bắt mắt nhưng ăn vào vẫn thấy nhạt, thấy rời rạc quá? 
Có phải vì thế mà tình cảm gia đình“hiện đại” ngày nay nhạt và rời rạc theo hay sao? Đâu rồi  những bữa cơm chiều tuy đạm bạc, chỉ “con cá lá rau” mà đậm nghĩa đậm tình? Đâu rồi những bữa cơm chiều, quanh mâm cơm là cả một khung trời niềm vui, thắt chặt sợi dây tình cảm giữa các thành viên trong gia đình? Tổ ấm gia đình, dù đủ đầy vật chất đến đâu chăng nữa, vẫn cần lắm những bữa cơm chiều bên nhau trong ấm áp, chan hòa tình người…
Bữa cơm chiều trong tôi mãi mãi khắc ghi hình bóng quê nhà, hình bóng của một thuở vật chất thiếu trăm bề nhưng tình cảm gia đình cũng như tình người, tình quê luôn đủ đầy, dư dả…
(1) Nồi 2 là nồi nấu 2Kg gạo