Dân miền Trung quê tôi thường đón tháng 11 về trong những cơn mưa nặng hạt. Tiết trời bắt đầu trở lạnh cũng là lúc vị giác nhắc nhớ những món ăn thời cả nhà quây quần bên nồi cơm lúa mới nghi ngút khói.
Trong đó, tôi nhớ nhất là món cá đồng kho lá gừng của ngoại. Món gì mà vừa mặn vừa cay lại để thương để nhớ quá đỗi. Ngày mưa, ruộng mương, ao đìa lúc nào cũng róc rách nước. Đây là lúc bọn cá đồng béo mập nhất. Ngoại thường chọn ngày cả nhà tụ họp đông đủ nhất để tát ao bắt cá.
Cái ao nước trong vườn nhà thường ngày thấy bé tẹo, chả đủ cho một chiếc sõng đi tới đi lui thế mà tát hoài không hết... cá. Đủ loại cá đồng nung núc, quẫy đạp trong những chiếc gàu múc lên. Nào cá rô, cá tràu, cá dìa, cá cui...
CÁ ĐỒNG PHÙ MỸ
Cá vừa chín tới, ngoại nhẹ tay rút cái xiên tre để bầy cá nằm yên trong một cái xoong lớn rồi lẹ làng đổ xâm xấp nước mắm loại ngon bắc lên kho. Như thế, cá sẽ thấm trọn vị nước mắm mà đậm đà, cứng cáp, để mấy ngày cũng không sợ thiu. Kho xong lượt nước mắm, ngoại mới cho chút bột ngọt, hành, ớt, tiêu và nước dừa xiêm vô kho lần nữa. Để cá trên lửa than riu riu, ngoại ra vườn ngắt nắm lá gừng vô xắt nhỏ bỏ vào nồi cá. Mùi thơm của nồi cá kho lúc này thật đặc biệt, hòa chung mà không trộn lẫn.
Trong cái lạnh tháng 11, cái góc bếp ấy thơm nồng vị cá đồng nướng béo ngậy, mùi mắm, mùi ấm áp của lá gừng, hành ớt... Nó gợi lên hình ảnh những ruộng đồng xanh mướt có con mương uốn quanh, có khóm dừa đung đưa nghiêng mình làm dáng, có ngoại vào ra trong ngôi nhà lợp tranh vách đất liêu xiêu.
Tôi bỗng giật mình, trố mắt trước câu “coi vậy chứ vẫn chưa ăn được đâu” lần thứ hai của ngoại. Cá đã chín, mùi đã thơm nhức mũi, ngoại còn chờ gì nữa? Trái với cái bụng đang sôi ùng ục của con cháu, ngoại già lại cứ đủng đỉnh, cá đồng phải kho hai lửa ăn mới đúng điệu. Mà đúng điệu thật! Chiều đó, cả nhà tôi được ăn bữa cơm đậm chất đồng nội với cá đồng kho, rau muống luộc. Có vậy thôi mà mắc công, mà chờ đợi, mà ngon, mà thương nhớ hoài hoài..